Các công việc và những hoạt động thông minh trên điện thoại được thực hiện nhờ có các cảm biến bao gồm: cảm biến gia tốc, cảm biến ánh sáng môi trường, cảm biến GPS, la bàn, cảm biến khoảng cách, cảm biến áp lực và con quay hồi chuyển...
Sau đây với bài viết này chúng ta cùng điểm lại những cảm biến hỗ trợ trên các dòng máy BlackBerry 10 nhé !
1. Cảm biến gần (Proximity)
Cảm biến gần còn được gọi là cảm biến tiệm cận. Tính năng chính của cảm biến này là nhận diện xem khoảng cách giữa smartphone và cơ thể bạn là bao nhiêu. Khi bạn gọi điện, cảm biến gần sẽ nhận diện xem vị trí giữa màn hình và tai là bao nhiêu để tắt đèn màn hình và tiết kiệm pin. Cảm biến gần cũng sẽ giúp ngăn ngừa các cử chỉ chạm được thực hiện một cách không cố ý trên màn hình điện thoại trong khi gọi điện.
Cảm biến này cũng sẽ tính toán độ mạnh yếu của tín hiệu, các nguồn gây nhiễu và tăng cường tín hiệu hoặc lọc các nguồn gây nhiễu nhờ sử dụng Kỹ thuật Tạo Luồng (Beam Forming Technique).
Nói một cách ngắn gọn, cảm biến khoảng cách sẽ đo được vị trí của cơ thể, ví dụ như khuôn mặt hoặc tai và ngừng các tác vụ như lướt web, chơi nhạc hoặc video trong khi nhận/thực hiện cuộc gọi nhằm tiết kiệm pin. Sau khi hội thoại kết thúc, cảm biến khoảng cách sẽ tiếp tục các tác vụ đang thực hiện dở.
2. Cảm biến ánh sáng môi trường (Ambient Light)
Cảm biến này có nhiệm vụ tối ưu độ sáng của màn hình trong các điều kiện sáng khác nhau (các luồng sáng có cường độ khác nhau). Mục đích quan trọng nhất của cảm biến ánh sáng môi trường là nhằm điều chỉnh độ sáng của màn hình, cho phép tiết kiệm pin và cải thiện tuổi thọ pin.
Cảm biến ánh sáng môi trường nhận biết ánh sáng và điều chỉnh màn hình dựa theo nguyên lý "vị trí tuyệt đối". Các cảm biến này chứa các đi-ốt quang học rất nhạy sáng đối với các quang phổ khác nhau; kết quả tính toán phức tạp dựa trên các đi-ốt này sẽ điều chỉnh mức độ tăng/giảm của cường độ sáng trên màn hình.
3. Cảm biến gia tốc (Accelerometer)
Tính năng chính của cảm biến gia tốc là nhận diện các thay đổi về hướng/góc độ của smartphone dựa trên dữ liệu thu được và thay đổi chế độ màn hình (chế độ dọc hoặc ngang màn hình) dựa trên góc nhìn của người dùng. Ví dụ, trong trường hợp bạn muốn tăng chiều rộng hiển thị của một trang web, bạn có thể chuyển từ chế độ dọc màn hình sang chế độ ngang màn hình. Tương tự như vậy, ứng dụng camera cũng sẽ tự động thay đổi hướng của bức ảnh đang chụp khi chúng ta thay đổi góc độ của smartphone.
Về bản chất, cảm biến gia tốc sẽ nhận diện sự thay đổi trong góc độ của smartphone bằng cách nhận biết các thay đổi về hướng trên cả 3 chiều của không gian trong trường hợp (giả sử) smartphone rơi tự do. Một trong những ví dụ về ứng dụng của cảm biến gia tốc của điện thoại là các trò chơi đua xe: người chơi có thể "bẻ lái" bằng cách quay điện thoại/tablet theo hướng mong muốn.
4. Con quay hồi chuyển (Gyroscope)
Chức năng của cảm biến này là giữ nguyên hoặc điều chỉnh vị trí và định hướng dựa trên các nguyên tắc của gia tốc theo các hướng khác nhau. Khi con quay được sử dụng cùng cảm biến gia tốc, cảm biến này sẽ nhận diện chuyển động trên 6 chiều khác nhau (trái, phải, trên dưới, trước và sau).
Cảm biến này cũng sẽ nhận diện các chuyển động dựa trên 3 chiều không gian X, Y, Z. Sử dụng Hệ thống Điện và Cơ Siêu Nhỏ (MEMS), các mẫu điện thoại như iPhone 4 có khả năng nhận diện các cử chỉ cảm ứng, bên cạnh tính năng điều hướng GPS quen thuộc.
5. Cảm biến lật và úp điện thoại:
Trên BlackBerry bạn cũng được hỗ trợ thêm chức năng cảm biến lât điện thoại và úp điện thoại, chúng ta đã nhận thấy rõ nhất trong tính năng tương tác nâng cao trên hệ điều hành 10.3.1 đó là lật úp để tắt tiếng và lật úp để tiết kiệm pin. Rất hay và thật sự mang đến cho chúng ta những sự khác biệt riêng phải không các bạn.
6. Cảm biến bề mặt (Trackpad quang học):
Đây là một bước đột phá và làm nên tên tuổi của các dòng máy BlackBerry từ những dòng máy sử dụng BBOS 7 trở xuống và hiện tại là BlackBerry Classic. Điều đặc biệt lôi cuốn người dùng nhất đó là bàn phím cảm ứng như một trackpad không lồ được áp dụng trên BlackBerry Passport, một chiếc máy có một không hai trên thị trường.
Khi chúng ta di chuyển ngón tay trên Trackpad thì sẽ có một thuật toán được dùng để xác định vị trí của ngón tay trên Trackpad qua tọa độ Delta xy. Điểm thú vị là Trackpad trên BlackBerry không cần bất kì vật dẫn điện nào tác động lên, giống như một biến thể trong bàn cảm ứng vật lí như trên BlackBerry Passport (mình hay gọi là một trackpad khổng lồ). Điều này đồng nghĩa với việc bạn không nhất thiết phải dùng ngón tay để điều khiển Trackpad mà chỉ cần bất kì vật nào có bề mặt hơi nhám.
Tham khảo thêm: Cơ cấu hoạt động của điều hướng Trackpad trên BlackBerry
7. Cảm biến GPS (Hệ thống định vị toàn cầu)
GPS (viết tắt của Global Positioning System – Hệ thống định vị toàn cầu) lúc đầu được phát triển và triển khai cho các mục đích quân sự và được chính phủ Mỹ chính thức đưa ra hoạt động rộng rãi trong thập niên 1980. GPS là một hệ thống cho phép theo dõi mục tiêu hoặc "điều hướng" dựa trên các bức ảnh hoặc bản đồ với sự trợ giúp của các vệ tinh.
Ngày nay, các smartphone đều được trang bị các cảm biến GPS được hỗ trợ (A-GPS) cho phép hoạt động mà không cần kết nối tới các máy chủ và các vệ tinh. iPhone 4S, iPhone 5, HTC One, HTC Droid DNA, HTC One X, các sản phẩm trong series Galaxy của Samsung và Xperia của Sony và các mẫu Nokia Lumia 620, 820, 920 và 822 cùng một số sản phẩm khác cũng hỗ trợ hệ thống định vị toàn cầu GLONASS (Globalnaya Navigatsionnaya Sputnikovaya Sistema) do Nga phát triển với cùng một tính năng như GPS.
8. Cảm biến điện dung
Đây là loại cảm biến được đặt bên dưới màn hình cảm ứng trên thiết bị di động của các bạn. Công nghệ cảm ứng điện dung dùng một lưới các điện cực phủ trên màn hình, trên đó có một điện thế. Khi ngón tay đến gần điện cực, điện dung của lưới thay đổi và có thể đo được. Bằng việc đo tất cả các điện cực, ta sẽ nhận biết được vị trí ngón tay. Có hai loại điện dung dùng cho màn hình cảm ứng: điện dung tương hổ (mutual capacitance) và điện dung riêng (self-capacitance).
Công nghệ điện dung tương hổ giúp chúng ta có được màn hình cảm ứng đa điểm và nó được sử dụng cực kì phổ biến ngày nay trên smartphone, tablet cho đến PC. Trong khi đó, điện dung riêng sẽ tạo ra một tín hiệu mạnh hơn điện dung tương hổ, cho phép định vị chính xác ngón tay đang ở đâu ở một khoảng cách xa hơn, tuy nhiên nó lại không thể xác định được vị trí của nhiều ngón tay cùng lúc nay không nhiều thiết bị được tích hợp màn hình điện dung riêng.
Có một số thiết bị đặc biệt xài kết hợp cả điện dung tương hổ và điện dung riêng để phục vụ cho tính năng điều khiển mà không cần chạm vào màn hình, ví dụ như Xperia Sola của Sony trước đây. Ngoài sử dụng ngón tay, màn hình cảm ứng điện dung còn cho phép chúng ta "chọt chọt" bằng những cây bút có đầu làm bằng mút dẫn điện (hoặc một loại vật liệu dẫn điện nào đó không làm trầy mặt kính).
9. La bàn số (Compass)
Tính năng này cũng xuất hiện ngày một phổ biến hơn trên các thiết bị di động, nhất là smartphone. Cảm biến này thực chất là một hệ thống MEMS (vi cơ điện tử) chuyên cảm nhận từ trường và nó giúp việc định vị trên smartphone được chính xác hơn khi kết hợp cùng các loại dữ liệu địa lý khác như GPS hay GLONASS. Một số ứng dụng di động hiện nay tận dụng la bàn số để hiển thị một mặt la bàn thực thụ cho chúng ta xem hướng đông tây nam bắc, thậm chí chúng còn đo được góc lệch so với hướng bắc nữa.
Với la bàn số, sau một thời gian không sử dụng thì chúng ta cần phải cân chỉnh lại nó để kết quả đo từ trường được chính xác. Máy thường yêu cầu chúng ta cân chỉnh bằng cách di chuyển thiết bị theo hình số 8 nằm ngang hoặc theo hình tròn.
10. Cảm biến từ kế (magnetometer) :
Cảm biến này ít được trang bị trên smartphone nhưng trên BlackBerry đã hiện hữu từ các dòng máy BlackBerry Z10, giúp phát hiện các từ trường, dùng cho ứng dụng địa bàn. Các ứng dụng cũng dùng cảm biến này để dò tìm kim loại.
Lưu ý: Nếu các bạn muốn kiểm tra tất cả chức năng của điện thoại mình bao gồm các chức năng cảm biến của BlackBerry 10, rất đơn giản bạn chỉ cần thao các như sau:
- Trên màn hình chính nhấp vào Trợ Giúp (Help)
- Nhấp vào dấu 3 gạch bên trái màn hình chọn Kiểm Tra (Testing)
- Nhấp vào nút Hãy Thử Xem (Try this now) để tiến hành test chức năng cụ thể hoặc tất cả chức năng tùy bạn lựa chọn nha
Ngoài ra, một số smartphone hiện nay còn được trang bị các cảm biến khác như cảm biến vân tay, áp suất (pressure), nhiêt độ (temperature) và độ ẩm (humidity)
Nguồn: blackberryvietnam
EmoticonEmoticon